Bình Dương có 65 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư với tổng số vốn lên tới 40,3 tỷ USD với gần 4200 dự án. Trong đó, nổi bật như nhà máy sản xuất Lego của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) với tổng số vốn đầu tư 1,3 tỷ USD, góp phần tạo ra 4000 việc làm, dự kiến nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào năm 2024. Dự án xây dựng nhà máy giai đoạn 6 của Công ty TNHH Nitto Denko Việt Nam cũng đã được cấp phép, tổng số vốn đâu tư hơn 113 triệu USD [1, 2]. Công ty TNHH Nitto Denko Việt Nam sản suất và gia công các sản phẩm liên quan đến bán dẫn, vật liệu điện tử chính xác, sản phẩm mạch in dẻo… Hơn nữa, Bình Dương định hướng phát triển các khu công nghiệp bền vững, thân thiện môi trường theo xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong bối cảnh đó, những lĩnh vực thuộc Ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử có cơ hội rất lớn để đáp ứng nhu cầu của phát triển của các ngành công nghiệp khác như:
- Internet vạn vật (Internet of Things),
- Robot, Tự động hóa,
- Trí tuệ nhân tạo,
- Lưới điện thông minh (Smart Grids)
- Xe điện (Electric Vehicles).
Sự kết hợp giữa Internet vạn vật, Robot, và trí tuệ nhân tạo sẽ hiện thực hóa các nhà máy thông minh, thành phố thông minh trong thời gian tới. Ở mức độ thấp hơn, các nhà thông minh đã được triển khai nhiều năm nay, đem lại sự tiện nghi cho người dùng.
IoT và AI là những yếu tố vô cùng quan trọng trong việc hình thành một nền công nghiệp tự động, hiệu quả cao
Hiện nay, xe điện được xem là xu thế phát triển tất yếu vì được xem là thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, cũng có nhiều lo ngại về tác hại về môi trường của trong việc sản xuất pin cũng như việc khai thác các vật liệu cần thiết để sản xuất pin. Hơn nữa, việc chuyển đổi giữa các dạng năng lượng cũng không đạt hiệu suất 100%. Hiệu suất chuyển đổi từ nguyên liệu hóa thạch thành điện năng, sau đó tích trữ năng lượng dưới dạng hóa học, rồi lại biến thành điện năng để cung cấp cho động cơ tạo thành cơ năng có hơn được hiệu suất chuyển đổi từ nguyên liệu hóa thạch thành cơ năng trong xe truyền thống hay không? Để xe điện thực sự thân thiện môi trường, chúng ta phải giải quyết rất nhiều vấn đề như tăng hiệu suất chuyển đổi giữa các dạng năng lượng cũng như thay thế nguyên liệu hóa thạch bằng các dạng năng lượng tái tạo…
Năng lượng tái tạo như gió, năng lượng mặt trời chiếm tỉ lệ ngày càng tăng trong lưới điện để đạt được mục tiêu phát triển bền vững và thân thiện môi trường. Tỉ lệ năng lượng tái tạo càng tăng thì hệ thống điện càng có nguy cơ mất ổn định, để giải quyết vấn đề này, việc phát triển lưới điện thông minh là không thể tránh khỏi.
Tóm lại, ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử sẽ có cơ hội phát triển cao trong các năm tới nhằm giải quyết các thách thức cũng như định hướng phát triển bền vững, thân thiện môi trường theo xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0 của nhà nước.
[1]. Tạp chí công nghiệp và tiêu dùng, “Bình Dương sẵn sàng đón dòng vốn FDI thế hệ mới”, 14/01/2024.
[2]. Báo Hà nội mới, “Bình Dương thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn nước ngoài đầu tư”, 02/11/2023.